Bắc Giang: Ưu tiên nguồn lực phát triển xã hội số
Người dân đã nhập cuộc
Xác định CĐS đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH, tỉnh Bắc Giang sớm ban hành văn bản chỉ đạo. Ngày 11/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 111/NQ-TU về CĐS tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Nghị quyết số 111).
Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống và được người dân hưởng ứng, tỉnh chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt sổ sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế, lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền điện, nước, học phí và đưa sản phẩm hàng hóa lên các sàn thương mại. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn tỉnh đã thành lập 209 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 1.891 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với khoảng 16 nghìn thành viên.
Người dân thôn Hà, xã Việt Tiến (Việt Yên) tra cứu thủ tục hành chính bằng mã QR tại nhà văn hóa thôn. |
Ông Nguyễn Thành Trung, Bí thư Chi bộ thôn Hà, xã Việt Tiến (Việt Yên) cho biết: “Chi bộ họp, thống nhất nhiệm vụ phổ cập kiến thức, kỹ năng về CĐS cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Do vậy các đảng viên phải phát huy vai trò nêu gương, phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Hiện nay, nhiều người đã hiểu về những lợi ích của CĐS và sử dụng thành thạo một số ứng dụng hữu ích, hỗ trợ cho cuộc sống”.
Bà Nguyễn Thị Hòe (55 tuổi) ở thôn Hà cho hay, bà đã sử dụng điện thoại thông minh từ nhiều năm nay nhưng chủ yếu dùng zalo, facebook để nhắn tin, liên lạc hỏi thăm bạn bè, người thân. Từ ngày được tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn, bà đã biết mua hàng qua mạng, chuyển khoản đóng tiền điện và đặt lịch khám trực tuyến với bác sĩ ở trạm y tế. “Chỉ với vài thao tác trên điện thoại tôi có thể giải quyết nhiều việc mà không tốn thời gian, công sức, rất tiện lợi”, bà Hòe chia sẻ.
Qua khảo sát của Sở Thông tin và Truyền thông, đến hết năm 2022, tại Bắc Giang, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%, số hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 85%; các tỷ lệ này đều cao hơn bình quân cả nước. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức cho phép khác đạt 70%. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh thúc đẩy CĐS trong xã hội, đưa công nghệ số đến gần người dân hơn. Số lượng người dân trên địa bàn tỉnh tiếp cận các dịch vụ mới như giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán qua mạng, học trực tuyến, mua-bán hàng online... ngày càng nhiều. Có thể thấy người dân Bắc Giang đã từng bước thay đổi thói quen, chủ động tham gia vào quá trình CĐS.
Đầu tư đồng bộ, phát triển hạ tầng
Để CĐS thành công, ngoài sự hưởng ứng, chủ động tham gia của người dân thì điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, trang thiết bị phục vụ cũng rất quan trọng. Bởi vậy, những năm qua, dù ngân sách còn hạn hẹp song tỉnh luôn dành sự quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho công tác CĐS. Giáo dục là một trong 9 lĩnh vực được tỉnh ưu tiên thực hiện.
Hưởng ứng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, toàn ngành đã vận động được 514 triệu đồng và 1.403 thiết bị (máy tính bàn, máy tính xách tay, điện thoại thông minh, sim di động 4G) tặng các em học sinh hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, phụ huynh ủng hộ 456 triệu đồng bổ sung thiết bị phòng học trực tuyến. Qua đó góp phần đáp ứng yêu cầu dạy và học trên môi trường số.
Cán bộ xã Phúc Sơn (Sơn Động) hướng dẫn người dân thanh toán không dùng tiền mặt. |
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khắc phục tình trạng lõm sóng ở một số vùng sâu, vùng xa. Đến nay 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh được phủ sóng thông tin di động 2G và 3G. Chị Nguyễn Thị Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn (Sơn Động) cho biết: “Việc nâng cấp đường truyền, xóa vùng lõm sóng của ngành chức năng, đơn vị viễn thông đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao chất lượng hưởng thụ thông tin. Cùng đó từng bước tiếp cận và sử dụng một số tiện ích trên môi trường số”.
Đến hết năm 2022, tại Bắc Giang, tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh đạt 85%, tỷ lệ hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng đạt 85%; các tỷ lệ này đều cao hơn bình quân cả nước. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức cho phép khác đạt 70%. |
Tuy nhiên quá trình tham gia môi trường mạng, hình thành công dân số cũng gặp nhiều khó khăn. Một số người dân chưa có máy vi tính, điện thoại thông minh; kỹ năng sử dụng các thiết bị hiện đại còn hạn chế; tâm lý ngại thay đổi. Nguồn lực dành cho công tác CĐS chưa đáp ứng yêu cầu. Một số sở, ngành triển khai các hạng mục đầu tư cho công nghệ thông tin chậm; đặc biệt cấp huyện đầu tư còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hình thành các dự án, đề án tổng thể để tổ chức triển khai thực hiện.
Theo ông Trần Minh Chiêu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh, thời gian tới, Ban chỉ đạo tiếp tục yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông nâng cấp mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, ưu tiên triển khai tại các khu công nghiệp, cơ quan nhà nước, trường học, bệnh viện, điểm du lịch. Các cơ quan, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách pháp luật trên nền tảng số; sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại và đa dạng hóa các kênh truyền thông số giúp cộng đồng dễ tiếp cận, sử dụng. Nâng cao chất lượng dịch vụ số, ứng dụng công nghệ số để cá nhân hóa giao diện, nâng cao trải nghiệm người dùng về tài nguyên và môi trường. Quan tâm đầu tư, bố trí tối thiểu 2% kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, địa phương phục vụ CĐS.
Bài, ảnh: Vi Nguyên
Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Động: Đẩy mạnh truyền thông, phổ cập kỹ năng số Trước những khó khăn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt, ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sơn Động đề xuất một số giải pháp: Huyện Sơn Động đã thành lập 17 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 252 thành viên; 124 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 655 thành viên. Hiện toàn huyện có 60 trường học và một trung tâm y tế huyện triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí, thu phí khám, chữa bệnh và các khoản thu khác. Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền, niêm yết mã QR hướng dẫn người dân chuyển khoản khi nộp phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên kết quả không cao. Nguyên nhân do địa bàn rộng, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56,91%. Số người dân có điện thoại thông minh, máy vi tính còn ít. Mặt khác kỹ năng số của người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng khó khăn còn thấp và chưa sử dụng thành thạo tài khoản ngân hàng, ứng dụng thanh toán trên điện thoại. Chưa kể nhiều gia đình con cháu đi làm xa, chỉ còn người già ở nhà nên không thể tiếp cận các dịch vụ, kỹ năng số. Trình độ công nghệ thông tin của một bộ phận cán bộ, thành viên tổ công nghệ số cộng đồng có hạn dẫn đến công tác hướng dẫn, truyền tải nội dung chưa đáp ứng yêu cầu. Các ứng dụng của các ngân hàng sử dụng trong thanh toán không dùng tiền mặt ở lĩnh vực y tế, giáo dục chưa ưu việt, nhiều công đoạn vẫn phải thực hiện thủ công. Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết, cấp ủy, chính quyền tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên thanh niên trong phổ biến kỹ năng số, sử dụng các dịch vụ. Huy động các nguồn lực nhằm tăng tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và tài khoản ngân hàng, hộ dân có máy vi tính. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại cũng cần phối hợp với các đơn vị trường học, y tế có giải pháp giảm phí chuyển tiền cho mỗi lần giao dịch. Đồng thời nâng cao ứng dụng công nghệ để kết nối, bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân. Các ngân hàng thương mại và đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông cần tiếp tục đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, phát triển các nền tảng, phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, tăng tốc độ thanh toán qua internet, bảo đảm tiện lợi trong giao dịch thanh toán qua điện thoại di động, thanh toán qua QR Code. Đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ phù hợp với tổ công nghệ số cộng đồng. Bởi hiện nay các tổ này là cánh tay nối dài cho ban chỉ đạo chuyển đổi số, hoạt động trên tinh thần tự nguyện mà không được hỗ trợ chi phí, phương tiện. Ngoài ra các trường học, cơ sở y tế có thể nghiên cứu thành lập tổ công nghệ số để hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh, người bệnh và người nhà bệnh nhân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Cơ quan chuyên môn thường xuyên tập huấn, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng cho thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng. Hoài Thu (ghi)
|
Ý kiến bạn đọc (0)