Đảng viên hưu trí, ý chí ở đâu?: Bài 3 - Nói và làm không nhất quán...
Phát ngôn sai lệch
Cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có chức, có quyền về hưu thì trong mắt người dân, họ không chỉ là một công dân bình thường mà vẫn là “người Nhà nước”, là nguyên, là cựu cán bộ, là hình ảnh liên quan đến cơ quan, tổ chức hay lực lượng mà họ đã từng công tác. Nghỉ hưu không có nghĩa là đặt dấu chấm hết với quá khứ công vụ của mình. Vì vậy, những biểu hiện nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có ít nhiều tác động đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
![]() |
Chi bộ thôn Đống Cao, Đảng bộ xã Tư Mại (Yên Dũng) sinh hoạt điểm. |
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng viên và cán bộ cũng là người. Ai cũng có tính tốt và tính xấu. Song, đã là người hiểu biết, đã tình nguyện vào một Đảng vì dân, vì nước, đã là người cách mạng thì cần phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người bình thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân”.
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng đã chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; trong đó biểu hiện thứ 6 là: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này một phần do cả quá trình công tác, cống hiến nhiều năm, khi về hưu tâm lý con người muốn nghỉ ngơi cũng là điều dễ hiểu. Có những việc mà trước đây khi còn đang công tác đảng viên này không dám nói, không dám bàn, không bày tỏ chính kiến, nhưng về hưu thì tự cho mình “thả lỏng”, thoát ra khỏi mọi sự ràng buộc của tổ chức. Tư tưởng “ta chẳng có gì để mất”, mình được tự do nên nhiều khi có lời nói và việc làm… hơi quá đà.
Có người trước kia thường e dè, nhìn trước, ngó sau trước khi bày tỏ chính kiến thì nay sẵn sàng “chém gió”, tham gia bàn luận đủ mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác nhân sự, rồi tham gia nhận xét, đánh giá cán bộ đương nhiệm, nêu những dẫn chứng “nghe nói, nghe đồn”. Một số người làm việc trong cơ quan Nhà nước, từng giữ chức vụ cao, khi nghỉ hưu bỗng quay lại chê bôi cơ quan cũ, nói xấu lãnh đạo đương nhiệm và phê phán những chủ trương, chính sách hiện hành là “lợi ích nhóm”, là “mục tiêu trên trời”. Rằng, thời trước cánh này làm thì tốt thế này, ưu điểm thế kia… Còn bây giờ họ xổ toẹt, phủ nhận tất cả. Thậm chí họ nhìn cuộc sống chỉ thấy toàn màu xám - tham nhũng, tiêu cực, đặc quyền, đặc lợi, con ông cháu cha, học giả bằng thật...
Một đồng chí đại tá công an sinh sống tại TP Bắc Giang được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ khóa thứ ba tâm sự: “Trong khi rất khó khăn để tìm nhân sự cho chi bộ, cho các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, vậy mà có đảng viên hưu (đồng chí này đã từng được động viên làm bí thư chi bộ nhưng thoái thác không làm) lại phát biểu “tiếng bấc, tiếng chì” đằng sau, rằng mấy ông công an, quân đội về hưu “lương cao thế mà vẫn còn tham, nhận hết chức vụ ở tổ dân phố”.
Thật ra, chúng tôi tham gia cấp ủy là chấp hành sự phân công, là vì trách nhiệm, danh dự của người cán bộ, đảng viên, chứ đâu phải vì chút thù lao”. Tiếp xúc với ông, trò chuyện với bà con khu phố nơi ông làm bí thư chi bộ, chúng tôi tin ông đã nói giữa dạ mình. Lời nói ấy được sự xác tín của bà con trong tổ dân phố: “Không chỉ công việc ở chi bộ, mà chuyện lớn, chuyện bé “thượng vàng hạ cám” ở khu phố này, việc gì cũng thấy bóng dáng của bác ấy”.
Từ năm 2016-2020, cả nước có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa bị xử lý kỷ luật, chiếm 0,5%. Có 15.101 đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, chiếm tỷ lệ cao nhất 60% (60% của số 25.104); có 8.221 suy thoái về tư tưởng chính trị, chiếm 33%. |
Trong cuộc sống hằng ngày ở khu dân cư, mỗi khi rảnh rỗi, một số người thường tụ quanh bàn trà bàn đủ thứ chuyện. Chủ đề được bình luận nhiều nhất là công tác nhân sự lãnh đạo các cấp, các ngành từ trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, trước kỳ đại hội Đảng thì chuyện càng sôi nổi, rôm rả như không có hồi kết. Họ quy kết ông A, bà B được đề bạt, bổ nhiệm, được cơ cấu vào cấp ủy là do chạy chức, chạy quyền, do cánh hẩu, là nhờ con ông nọ, cháu bà kia…
Kế đó là những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đang được cơ quan chức năng xem xét được đưa ra phân tích, mổ xẻ thiếu căn cứ, thiếu cơ sở thực tiễn, thậm chí “thổi phồng” sự u ám. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển, số ít cán bộ, đảng viên sau khi nghỉ hưu không mặn mà với các phong trào của khu dân cư nhưng lại rất tích cực lên mạng xã hội “luận bàn thế sự”, nêu quan điểm cá nhân, bình luận, chia sẻ thiếu ý thức chính trị về những thông tin sai lệch, không được kiểm chứng.
Những câu chuyện tưởng như vô hại này đang là mầm mống của những “ung nhọt” nguy hiểm, tuy không phổ biến nhưng cũng đã xuất hiện ở nhiều cơ sở. Các phát ngôn, hành động của số ít đảng viên hưu trí khiến người dân dễ tin đó là sự thật, vì được “tai nghe mắt thấy” trực tiếp từ những người là đảng viên, từng là lãnh đạo.
Tự đánh mất mình
Một thực tế đáng quan tâm hiện nay là trong số những cán bộ, đảng viên nghỉ hưu, nghỉ việc có một bộ phận diễn biến tư tưởng không bình thường, tự đánh mất danh dự, uy tín của bản thân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng rất buồn khi phải nói ra một thực tế rằng: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, đặc biệt là sa vào chủ nghĩa cá nhân, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước”.
![]() |
Cán bộ Thanh tra tỉnh trao đổi công việc. |
Còn nhớ cách đây chưa lâu, vụ việc tranh chấp đất lâm nghiệp giữa người dân hai địa phương của hai huyện Sơn Động và Lục Ngạn diễn ra rất phức tạp, các cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở phải mất nhiều thời gian, công sức mới giải quyết ổn thỏa. Theo cơ quan chức năng, sở dĩ vụ việc trở thành điểm nóng, kéo dài nhiều năm một phần do có người từng được coi là “cây cao bóng cả” ở địa phương đứng đằng sau xúi giục nhân dân không chấp hành pháp luật và các quyết định của chính quyền địa phương.
Vị “quân sư” này đã tạo dư luận và đưa ra những thông tin không đầy đủ về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, đến mối quan hệ tình cảm láng giềng giữa hai địa phương. Lẽ ra, với trách nhiệm đảng viên, với cương vị, uy tín và kinh nghiệm của mình, “cây cao bóng cả” ấy phải là người gương mẫu, đi đầu tuyên truyền, vận động, giải thích pháp luật để bà con hiểu và làm theo. Nhưng thật đáng tiếc, ông lại làm ngược lại, vi phạm nhiệm vụ của người đảng viên, được thể các đối tượng xấu đã vào hùa lôi kéo, kích động bà con khiếu kiện, làm mất an ninh trật tự ở cơ sở.
Nói không đi đôi với làm, nói một đằng làm một nẻo, nói và làm không nhất quán … không chỉ là biểu hiện của sự thiếu trung thực, vi phạm đạo đức xã hội nói chung mà còn vi phạm nguyên tắc, phẩm chất, danh dự của người cán bộ, đảng viên, là biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Bởi lẽ danh dự không chỉ của riêng mỗi người mà còn mang tính xã hội, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội.
Với một người bình thường, danh dự đã là cao quý; là cán bộ, đảng viên, người lãnh đạo, quản lý, danh dự càng cao quý, thiêng liêng. Trong nhiều bài viết, bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh đến lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên là phải kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân làm cho không ít cán bộ nảy sinh căn bệnh tham ô, tư túi, đặt lợi ích của cá nhân lên trên lợi ích tập thể, trên cả lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Nhóm PV Xây dựng Đảng
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)