Thi đua sáng tạo xây dựng nền hành chính phục vụ
Ngày Chủ nhật vì dân
Mới đây, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 26-CT/TU thể hiện tinh thần quyết liệt trong chỉ đạo, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc và nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang (gọi tắt là cán bộ, đảng viên) trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Sáng kiến tạo mã QR bộ TTHC của xã Hương Mai (Việt Yên) được đánh giá cao. Ảnh: Hướng dẫn người dân quét mã QR tra cứu TTHC. |
Chỉ thị yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh quán triệt và thực hiện tốt “3 dám” (dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung); “3 hơn” (quyết liệt hơn, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn); “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả). Từ đó mỗi cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo trong công việc nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã nhất quán tinh thần của Chỉ thị, nhất là trong CCHC. Nhiều huyện, TP đã và đang triển khai sáng kiến tiết kiệm thời gian, chi phí cho cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Như mô hình: “3 không, 1 có” vào thứ Ba hằng tuần tại bộ phận một cửa thị trấn Bích Động (Việt Yên); “Ngày Chủ nhật vì dân”; “Ngày thứ Sáu hai không” tại UBND huyện Lạng Giang; “Ngày thứ Sáu nhanh”, “Ngày thứ Năm 3 không” tại bộ phận một cửa các phường, xã TP Bắc Giang; “5 không chờ” tại thị trấn Bố Hạ (Yên Thế)...
Huyện Lạng Giang có nhiều lao động làm việc tại các doanh nghiệp, chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật. Trong khi đó bộ phận một cửa không làm việc vào ngày này do vậy nhiều công dân phải xin nghỉ hoặc ủy quyền cho người thân giải quyết TTHC. Để giải quyết tình trạng trên, bộ phận một cửa UBND huyện Lạng Giang bố trí cán bộ trực, tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC vào sáng Chủ nhật hằng tuần (từ 7 giờ 30 phút đến 11 giờ). Nhờ vậy, số lượt công dân đến giải quyết TTHC trong “Ngày Chủ nhật vì dân” tăng so với ngày thường từ 20% đến 30%.
Ghi nhận tại phường Lê Lợi (TP Bắc Giang), sau gần một năm thí điểm thực hiện sáng kiến “Ngày thứ Sáu nhanh” đã giúp giải quyết số lượng lớn hồ sơ một cách thuận tiện, rút ngắn thời gian đi lại, chờ đợi của công dân. Thời gian giải quyết TTHC giảm từ nửa ngày hay 1 ngày còn 15 - 20 phút. Mô hình này hiện đã được TP Bắc Giang nhân rộng đến 16 phường, xã với quy trình thực hiện thống nhất.
Sở Y tế có sáng kiến hỗ trợ công dân xử lý ảnh cá nhân khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Với cách làm này người dân có thể chụp ảnh trực tiếp trên giao diện của Cổng Dịch vụ công. Sau thời gian áp dụng, mô hình được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh và giao Sở Thông tin và Truyền thông cấu hình đối với các dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh. Riêng đối với ngành Y tế từ đầu năm 2021 đến nay đã có gần 6 nghìn hồ sơ TTHC được hỗ trợ nộp ảnh trực tuyến.
Xây dựng môi trường làm việc sáng tạo
Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh tiếp tục lựa chọn CCHC là một trong các khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Nửa nhiệm kỳ qua, cùng với cắt giảm thời gian giải quyết TTHC từ 30 - 50% so với quy định, tỉnh tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy các sáng kiến, mô hình mới phục vụ CCHC.
![]() |
Người dân giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa huyện Lạng Giang. |
Năm 2022, Bắc Giang xác lập cùng lúc nhiều kỷ lục ấn tượng trên bảng xếp hạng của cả nước như: Xếp thứ 2 Chỉ số năng lực cạnh tranh; thứ 4 về Chỉ số CCHC; thứ 9 về Chỉ số chuyển đổi số; thứ 5 về Chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam.
Kinh nghiệm từ các đơn vị, địa phương cho thấy đó là quán triệt nghiêm túc chủ trương của Đảng về đẩy mạnh CCHC; nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Quá trình làm việc thường xuyên sâu sát cơ sở, nghiên cứu và đưa ra những sáng kiến, mô hình hiệu quả trong giải quyết TTHC. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nêu gương thực hiện; quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi để cán bộ, công chức phát huy năng lực.
Năm 2023, toàn tỉnh có 105 sáng kiến được các sở, ngành, UBND cấp huyện đăng ký thực hiện. Qua đánh giá cho thấy 10 sáng kiến, mô hình về CCHC đã được triển khai hiệu quả, có thể áp dụng nhân rộng ở các cơ quan, địa phương. |
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Hằng năm, Sở phát động thi đua sáng tạo trong toàn cơ quan; xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích cụ thể với những sáng kiến có tính ứng dụng cao. Riêng năm 2022, Sở có 4 sáng kiến CCHC được công nhận. Nổi bật là sáng kiến “Thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) từ xa” của Chi cục Trồng trọt và BVTV.
Với cách làm này, thay vì thành lập các đoàn về tận địa phương thì tổ thẩm định sẽ lên lịch thẩm định qua nền tảng zalo, facebook. Qua màn hình kết nối mạng internet, cán bộ sẽ đối chiếu các điều kiện của cơ sở kinh doanh, từ đó tham mưu Chi cục trưởng cấp giấy chứng nhận. Điều này giúp giảm thời gian giải quyết từ 7-8 ngày làm việc.
Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, những năm qua, nhiều cơ quan, địa phương trên địa bàn tỉnh đã có các mô hình, sáng kiến, cách làm hay, thiết thực trong công tác CCHC, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ. Trong đó, có nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, được hội đồng sáng kiến các cấp công nhận và đưa vào áp dụng, nhân rộng.
Bên cạnh những mô hình, sáng kiến có hiệu quả, các cơ quan, địa phương, đơn vị cần khắc phục một số hạn chế như: Sáng kiến chưa thực sự đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác CCHC một cách thực chất; số lượng mô hình có thể nhân rộng còn ít. Đồng thời, các cơ quan, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động nghiên cứu học tập những sáng kiến, mô hình về CCHC đang được thực hiện hiệu quả để triển khai tại cơ quan, địa phương mình. Tiếp tục đầu tư nâng cấp trang thiết bị; thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ cho cán bộ; tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ thi đua sáng tạo; có cơ chế động viên, khen thưởng kịp thời.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)