Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Chung tay đấu tranh phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng - Bài 1: Xuyên tạc sự thật, bôi nhọ cán bộ lãnh đạo, quản lý

(BGĐT)- Hiện nay, nhiều người tự cho mình quyền phán xét theo kiểu “nghĩ gì nói đấy”, miễn là đăng, chia sẻ được lên mạng xã hội để nhiều người biết cho “bõ tức” vì cay cú, không đạt được mục đích cá nhân. Điều này đã gây tổn hại đến uy tín, danh dự của người khác, ảnh hưởng đến niềm tin của quần chúng nhân dân với tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
{keywords}

Tác giả cùng cơ quan chức năng trong một lần làm việc với ông Trần Văn Lập (ngoài cùng bên phải).

Tùy tiện phán xét

Trong bối cảnh công nghệ thông tin ngày càng phát triển, số người dân sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng truy cập vào mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… ngày càng nhiều. Bên cạnh mặt tích cực từ mạng xã hội đem lại thì nhiều người đã lợi dụng vào khả năng lan truyền nhanh, khó kiểm soát từ loại hình này để đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin không đúng sự thật nhằm nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo địa phương hoặc lực lượng chức năng. Nhiều trường hợp tự cho mình quyền phán xét tổ chức, cá nhân khác mặc dù bản thân không có bằng chứng, cơ sở xác thực.

Đầu tháng 9 vừa qua, trên trang Facebook của bà Nguyễn Thị Lưu, trú tại thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đăng tải một clip quay tại nghĩa trang liệt sĩ xã Thanh Vân (Hiệp Hòa), trong đó bà Lưu “cảnh báo” lãnh đạo tỉnh đã “bao che, thông đồng” với chính quyền địa phương để “cướp bát cơm” thờ cúng liệt sĩ của bà (?!).

Gần đây, ngày 26/9, bà Lưu lại viết trên Facebook cá nhân với lời lẽ xúc phạm đến các đồng chí lãnh đạo tỉnh, cho rằng “đã thủ tiêu đơn tố cáo” của bà, kèm theo là ảnh chân dung của hai đồng chí và một số phiếu báo của Bưu điện huyện Hiệp Hòa chuyển đơn của bà mà không có bằng chứng cụ thể.

Tuy nhiên, khi tìm hiểu thực tế cho thấy, vụ việc của bà Nguyễn Thị Lưu đã được các cấp chính quyền và cơ quan chức năng từ tỉnh đến huyện giải quyết rõ ràng. Đơn cử, ngày 16/11/2015, qua xem xét đơn kiến nghị của bà Lưu, Thanh tra tỉnh có báo cáo nêu rõ: “Bà Lưu đề nghị trả cho gia đình bà 11 thước ruộng do UBND xã Thanh Vân chia cho bà năm 1992 để thờ cúng liệt sĩ Nguyên (anh trai bà Lưu), trong diện tích của gia đình ông Tính (anh con bác ruột bà Lưu) là không có cơ sở. Việc Chủ tịch UBND huyện chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Thanh Vân thiết lập hồ sơ giao cho bà Lưu 264 m2 đất nông nghiệp lấy từ quỹ đất công ích của UBND xã Thanh Vân là thấu tình, đạt lý, bảo đảm quyền và lợi ích của bà Lưu”.

Được biết, ngày 2/2/2016, UBND huyện Hiệp Hòa cũng đã ban hành Quyết định số 93/QĐ-UBND giao cho bà Nguyễn Thị Lưu diện tích 264 m2 đất, thuộc thửa số 497, tờ bản đồ số 11 trên địa bàn xã Thanh Vân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện đã hai lần mời bà Lưu về UBND xã Thanh Vân để giao đất nhưng bà Lưu đều vắng mặt. Hiện nay, UBND xã Thanh Vân đang quản lý số diện tích đất trên.

Tiếc là bà Lưu vẫn không đồng tình, tiếp tục có nhiều đơn thư gửi các cấp chính quyền và cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương.

Trước đó, trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Thị Lưu còn đăng bài thơ “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, nhưng lại kèm theo ảnh chế các phạm nhân đứng, ngồi cười ngạo nghễ, trông rất phản cảm.

Cũng như bà Lưu, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số trường hợp nhân danh “chống tham nhũng, tiêu cực” để đưa lên mạng xã hội những lời lẽ mang tính quy chụp, xúc phạm đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương. Mặc dù những thông tin họ đưa ra không có cơ sở để chứng minh.

Trong suốt thời gian dài, trên trang Facebook cá nhân của ông Trần Văn Lập, trú tại thôn Trong, xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang (Bắc Giang) liên tục đăng ảnh sao chụp một số phiếu chuyển đơn, công văn trả lời đơn, bản án của TAND… với nội dung đại ý là tố cáo cán bộ từ xã đến huyện, tỉnh “cướp đất, cướp tiền” của ông. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế cho thấy, những kiến nghị của ông Lập đã được chính quyền, cơ quan chức năng các cấp xem xét, trả lời rõ ràng.

Thượng tá Nguyễn Anh Sơn, Trưởng Công an huyện Lạng Giang cho biết: “Quá trình làm việc, ông Lập không cung cấp được tài liệu, căn cứ có giá trị chứng minh nội dung đăng tải, chia sẻ trên trang Fecebook cá nhân, chỉ dựa vào suy nghĩ chủ quan của bản thân”.

Do có hành vi đăng tải thông tin không đúng sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, ngày 18/11/2021, ông Trần Văn Lập bị Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng; đồng thời yêu cầu gỡ bỏ những thông tin đã đăng trước đó. Thế nhưng, ông Lập không lấy đó làm bài học cho bản thân, ngược lại còn tiếp tục đăng trên mạng xã hội những lời lẽ gay gắt, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã xử lý vi phạm hành chính hơn 30 vụ có hành vi đăng tải thông tin xấu độc lên mạng xã hội, tổng số tiền xử phạt khoảng 200 triệu đồng. Thực tế, kết quả xử lý này chưa thể hiện hết tình trạng thông tin xấu độc trên không gian mạng đang diễn ra ngày càng phức tạp. Một vài đối tượng có tư tưởng phản động vẫn cố tình đăng tải, chia sẻ những thông tin xuyên tạc, nói xấu cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Hậu họa khôn lường

Tình trạng một số người dân, nhất là đối tượng cơ hội chính trị đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin xấu độc trên môi trường mạng ngày càng diễn biến phức tạp. Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Bắc Giang) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, các thế lực thù địch, đối tượng chống đối tiếp tục lợi dụng các trang web, mạng xã hội đăng tải tin, bài, video có nội dung xấu độc, tuyên truyền chống Đảng, Nhà nước; xuyên tạc tình hình nội bộ, bôi nhọ, hạ thấp uy tín các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương, lực lượng công an, quân đội...

{keywords}

Nhiều đối tượng lợi dụng danh nghĩa "chống tham nhũng, tiêu cực" để đăng tải thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội nhằm nói xấu cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Đa số các vụ việc đều xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, sau đó nói xấu cán bộ, chính quyền địa phương. Nghĩa là, khi các cấp chính quyền, cơ quan chức năng xem xét giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn giữa cá nhân những đối tượng này với người khác không theo ý chí chủ quan của họ thì ngay lập tức họ quay sang đăng tin, bài mang tính chất “tố cáo” cán bộ, chính quyền các cấp không xem xét công minh những kiến nghị, đòi hỏi của bản thân. Từ đó, các đối tượng này suy diễn, quy chụp, nói xấu cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nhiều khía cạnh khác.

Nội dung thông tin mang tính chất chủ quan của các trường hợp trên thường được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần trên mạng xã hội. Nhiều trường hợp chỉ đơn thuần đưa một số hình ảnh chụp đơn tố cáo, phiếu chuyển đơn của cơ quan chức năng, thậm chí cả những văn bản trả lời, kết quả giải quyết của chính quyền các cấp. Có trường hợp đã cắt ghép ảnh chân dung của lãnh đạo địa phương đăng kèm “đơn tố cáo”.

Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là một số người sử dụng các tài khoản mạng xã hội Facebook, Blog cá nhân, hội nhóm để tán phát tin, bài có nội dung tiêu cực, xấu độc trên không gian mạng, chủ yếu dưới hình thức chia sẻ các bài viết của đối tượng chống đối ở trong và ngoài nước liên quan đến một số vấn đề như: Đơn thư và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chính quyền các cấp; công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm; đưa tin về các vấn đề tiêu cực trong xã hội; hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước...

Theo ông Ngô Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang, sự nguy hiểm của những thông tin xấu độc trên là do có tính chất bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc các vấn đề nên đã làm lẫn lộn đúng sai, thật giả; hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu sai trái, thù địch. Một số thông tin có những ngôn từ thô tục, nội dung phản cảm, thậm chí soi mói, bình phẩm chủ quan chuyện đời tư của người khác, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhiều cá nhân, gây bức xúc trong dư luận xã hội; vi phạm chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục; kích động bạo lực.

Thực tế cho thấy, tình trạng thông tin xấu độc phát tán nhiều trên mạng xã hội đã trở thành vấn đề nóng, gây bức xúc, ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Vì thế, đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bài, ảnh: Nhóm PV XDĐ-NC

(Còn nữa)
Cần thể hiện bản lĩnh trước thông tin xuyên tạc
Chỉ cần mở điện thoại thông minh, lên mạng xã hội là mỗi người chúng ta đã có thể bị tấn công bởi rất nhiều tin giả, tin đồn thất thiệt, xuyên tạc. Do đó, nếu cán bộ, đảng viên không đủ bản lĩnh, không tỉnh táo nhận diện thì rất dễ mắc mưu, dẫn đến những trạng thái tâm lý, những hành động tiêu cực.
Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc, sai trái trên không gian mạng
(BGĐT) - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị nhằm bôi nhọ, chống phá Đảng, Nhà nước ta và cán bộ lãnh đạo địa phương. Cần cảnh giác với những thông tin như vậy, tránh vô tình tiếp tay cho kẻ xấu.
Bắc Giang: Tăng cường các biện pháp đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch
(BGĐT) - Sáng 17/10, Ban Chỉ đạo (BCĐ) 35 tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn hiện nay. Các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, thành viên BCĐ 35 tỉnh: Trần Tuấn Nam và Nguyễn Văn Hạnh chủ trì.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...