Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Chính trị / Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Dựa vào nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Kỳ 2 - Phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, nham hiểm

(BGĐT) - Các thế lực thù địch trong và ngoài nước với các chủ thuyết “cách mạng màu - cách mạng trắng”, các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, đặt công tác quản lý thông tin trên mạng, định hướng dư luận ở nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Đánh giá 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH), Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Lý luận về đường lối đổi mới, về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hoá. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần”.

{keywords}

Các thế lực thù địch, đối tượng xấu phát tán thông tin giả, thông tin xấu độc trên không gian mạng.

Trong 35 năm đó, chúng ta cũng đã chứng kiến sự phát triển như vũ bão của Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, mà ngôn ngữ thường dùng là “Thời đại 4.0” với biểu hiện dễ thấy nhất là sự phát triển rộng khắp của mạng internet toàn cầu cùng sự phát triển mạnh mẽ của “kỹ thuật số” và mạng điện thoại di động.

Ngày nay, Việt Nam trở thành một trong những nước có tốc độ phát triển mạng di động nhanh nhất thế giới. Mạng 3G, 4G, 5G đã có ở khắp các địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa trong cả nước. Thống kê chưa đầy đủ gần 100 triệu dân Việt Nam sở hữu khoảng 120 triệu điện thoại thông minh và hàng chục triệu máy tính cá nhân. Trung bình hằng ngày khoảng 75 triệu người dân sử dụng mạng internet cho các mục đích thông tin liên lạc, giao lưu văn hóa, buôn bán, kinh doanh, học tập, tìm hiểu thông tin và giải trí. Từ em bé học mẫu giáo đến nhiều cụ 80, 90 tuổi cũng sử dụng internet để vào các trang mạng Youtube, Twitter, Facebook, Zalo, TikTok… cùng với các thông tin bổ ích, tích cực là những thông tin “tiêu cực”, “xấu, độc” không dễ kiểm soát ngăn ngừa.

Vẫn biết, mở cửa có nghĩa là có gió mát và gió nóng vào nhà kèm theo đó là bụi bặm, côn trùng, ruồi muỗi xâm nhập. Cho internet phát triển tại Việt Nam để tăng cường hợp tác quốc tế, tiếp thu khoa học, phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa đồng thời chấp nhận việc quản lý xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước với các chủ thuyết “cách mạng màu - cách mạng trắng”, các phần tử cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã và đang triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, đặt công tác quản lý thông tin trên mạng, định hướng dư luận ở nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức. Rất nhiều băn khoăn lo ngại nhưng không thể vì ngại khó, sợ khó mà chúng ta “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa với internet toàn cầu, với mạng xã hội như một vài nước láng giềng.

Từ khoảng năm 2009 đến nay lần lượt các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, TikTok… phát triển hết sức nhanh chóng ở Việt Nam, mỗi trang có hàng chục triệu người sử dụng. Nhiều người dùng điện thoại thông minh sử dụng tất cả các trang Facebook, Youtube, Twitter, TikTok, Zalo có ở Việt Nam. Suốt ngày đêm các đài VOA, BBC, RFI, RFA, cũng như một số trang Youtube, Twitter, Facebook của các tổ chức Việt Tân, Triều đại Việt, “Tiếng dân”, Phố Bolsa TV, Nửa vòng trái đất TV, Người Việt, N10TV, “KTV, “Tivi tuần san”, TV24, “Góc nhìn W.C” và các trang Youtube của các nhóm chống cộng cực đoan, “các bác cờ vàng” 3 sọc dân chủ cuội hướng vào Việt Nam với nhiều thông tin kích động, bịa đặt, bôi xấu hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam…

Những nhân vật, hình ảnh, những phát ngôn trên mạng là ảo, nhưng những hệ lụy, ảnh hưởng mà nó gây ra trong đời sống xã hội lại rất thật, rất hiện hữu. Vì vậy, việc quản lý hiệu quả không gian mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng nhằm hạn chế tối đa những mặt trái, đồng thời phát huy mặt tích cực, khả năng ứng dụng các lợi thế, tiện ích của mạng xã hội là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Ngày 22/10/2010, Bộ Chính trị khóa X ban hành Chỉ thị số 48-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”. Các lực lượng thông tin, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông trong cả nước cùng với các lực lượng tác chiến không gian mạng của các cơ quan chức năng cũng đã có nhiều biện pháp ứng phó bằng cả kỹ thuật, phần mềm thông minh cũng như lực lượng con người trực tiếp.

Thực tế cho thấy, các đài VOA, BBC, RFI, RFA trước kia dùng sóng Radio phát vào nước ta nên phần nào bị hạn chế tiếp cận với người nghe, nhưng nay đã chuyển đổi toàn bộ sang sử dụng kỹ thuật số nên hiệu quả tuyên truyền chống phá tăng lên gấp nhiều lần. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh phát sóng online trực tiếp bằng tiếng Việt là một kẻ chống cộng cực đoan đã có thể truyền tải thông tin đến hàng vạn người nghe sử dụng tiếng Việt trên khắp thế giới mà đối tượng chủ yếu của bọn chúng là người Việt trong nước. Có nhiều kênh Facebook, Youtube, Twitter, TikTok cá nhân có hàng triệu người đăng ký. Nhiều chương trình “câu wiu”, “câu live”, rút tít giật gân phát sóng có cả hàng mấy chục vạn người theo dõi.

Do yêu cầu nhiệm vụ và đặc trưng nghề nghiệp nên hầu như hằng đêm tôi đều theo dõi các thông tin trên mạng và nhận thấy các cơ quan báo chí chính thống không đủ thời gian, lực lượng, điều kiện để đối phó với các kênh bẩn này. Lực lượng tác chiến không gian mạng của các cơ quan chức năng, các tổ chức cũng đối phó không xuể và cũng không thật hiệu quả với các “kênh truyền thông bẩn”. Một thời gian đầu “Lực lượng chính quy” trong đội ngũ truyền thông chính thống đã bỏ trống trận địa này cho truyền thông bẩn gây ảnh hưởng xấu trong xã hội. Sự bịa đặt, xuyên tạc, bóp méo lịch sử rỉ rả hằng ngày, hằng đêm khiến nhiều người dân thiếu hiểu biết, nhất là giới trẻ hoang mang, nghi ngờ, suy giảm niềm tin với Đảng, Nhà nước.

Tuy nhiên, hàng triệu người dân trong nước khi nghe được, tiếp cận được với các thông tin bẩn đã vô cùng phẫn nộ với các chiêu trò kích động, bịa đặt, bôi xấu hạ bệ lãnh tụ, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước và nhiều người đã tự phát dùng ngay chính các phương tiện cá nhân tự có và sử dụng ngay chính các mạng Facebook, Youtube, Twitter, TikTok, Zalo để đấu tranh, phản bác lại, đập lại các luận điệu xuyên tạc của các kênh truyền thông bẩn chủ yếu từ nước ngoài.

Ban đầu là hành động đơn lẻ của những cá nhân riêng lẻ. Sau một thời gian ngắn vì cùng tư tưởng “chống giặc ngoại xâm trên không gian mạng” chống phá đất nước nên những người này đã tự liên kết với nhau một cách tự nguyện, từ tự phát trở thành tự giác, để phối hợp cùng đấu tranh, phản bác các kênh truyền thông bẩn. Họ thuộc nhiều thành phần, giai cấp, tầng lớp, lứa tuổi trong đó có sinh viên, học sinh, cán bộ, công chức, giáo viên, nhà báo, nhà nghiên cứu, bộ đội đã nghỉ hưu hoặc đang công tác ở khắp các vùng miền trong cả nước và có cả một số người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.

Vì đấu tranh trên không gian mạng nên không có hạn chế khoảng cách về không gian, thời gian. Nhiều người đã tổ chức các cuộc hội luận, đối luận, tranh luận trực tiếp trên không gian mạng hằng đêm với các thành phần phản động, chống cộng cực đoan, “cờ vàng” ở nước ngoài và các thành phần “dân chủ cuội”, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở trong nước”. Thật bất ngờ hiệu quả của các cuộc “chống giặc trên không gian mạng” lại đạt được hiệu quả rất tích cực làm cho nhiều chủ kênh “thông tin bẩn” phải co vòi, im miệng, hoặc giảm bớt tần suất chống phá.

Vì là trí tuệ tập thể, trí tuệ nhân dân, nhiều người bằng trình độ lý luận, kinh nghiệm hiểu biết thực tiễn, kiến thức lịch sử đã được học, được đọc hoặc đã và đang giảng dạy để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc một cách thuyết phục. Cũng nhờ các cuộc đấu tranh “chống giặc trên không gian mạng” nên nhiều người đã tự học lại, đọc lại, bổ sung kiến thức cả về lý luận chính trị, lịch sử, văn hóa xã hội. Nhiều chương trình “giải độc chính trị” của những người dân yêu nước, có trách nhiệm công dân cao, tự nguyện “chống giặc trên không gian mạng” đã thực sự đánh “sấp mặt” truyền thông bẩn từ nước ngoài, cũng như những tư tưởng phản động, thoái hóa biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” của một số trí thức “học giả, học thật” kể cả cán bộ trung, cao cấp đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu ở trong nước.

Tôi cũng như nhiều cán bộ làm công tác tuyên giáo, thông tấn, báo chí khác trong cả nước đã được nhân dân hỗ trợ rất tích cực trên mặt trận công tác tư tưởng, được nhân dân tiếp lửa. Nếu các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông chính thống trong cả nước là tên lửa, cao xạ pháo, không quân, là “quân chính quy” với các “lưới lửa tầm cao” thì lực lượng nhân dân tự nguyện “chống giặc trên không gian mạng” là “lưới lửa tầm thấp” như những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ trên miền Bắc.

Nếu trước đây, Đảng ta lãnh đạo toàn dân làm “chiến tranh nhân dân” giành độc lập cho dân tộc, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ thắng lợi thì ngày nay trong cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, chống các thành phần phản động, chống cộng cực đoan, “cách mạng màu - cách mạng trắng”, “cờ vàng” ở nước ngoài xâm nhập vào trong nước và các thành phần “dân chủ cuội”, thoái hóa, biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” ở trong nước để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ đất nước, chúng ta lại tiếp tục thực hiện “Chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng”.

Tôi lại nhớ lời Bác Hồ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”. Tôi hết sức tâm đắc về vấn đề này và báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương và được chấp thuận chủ trì và trực tiếp xây dựng Đề án 01/ĐA-MTTW-BTT về “Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền của MTTQ Việt Nam”. Sau khi được ký ban hành ngày 5/5/2015, Đề án được triển khai đến Ủy ban Mặt trận và toàn thể các tổ chức thành viên của Mặt trận trong toàn quốc từ Trung ương đến cơ sở.

Đề án có nhiều nội dung, trong đó có nội dung Ủy ban Mặt trận các cấp và các thành viên từ Trung ương đến cơ sở đều xây dựng các nhóm cộng tác viên thông tin và dư luận xã hội với nhiệm vụ: Tham gia tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước; nắm bắt tập hợp tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và dư luận xã hội để báo cáo với các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và Mặt trận các cấp. Các địa phương đều xây dựng chương trình phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận cấp tỉnh với các đoàn thể chính trị - xã hội, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan thông tin, tuyên truyền của cấp uỷ và chính quyền cùng cấp.

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt, thông tin xấu độc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước cùng với công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân của MTTQ Việt Nam đã được duy trì nền nếp và đạt những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam với vai trò, chức năng là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đó cũng chính là việc tiếp tục quán triệt sâu sắc bài học kinh nghiệm tại Đại hội lần thứ XII của Đảng: “Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm lấy “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân”. Nhờ đó, “Chiến tranh nhân dân trên mặt trận tư tưởng” trên không gian mạng bước đầu đã làm thất bại âm mưu tuyên truyền chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch. 

(Còn nữa)

Nguyễn Tuấn Anh - Thế Phương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...