suc-khoe-suc-khoe-hoc-duong

Không được cấp phép vẫn bày bán công khai

Theo Sở Công Thương, TLĐT (hay còn gọi là thuốc lá thế hệ mới) hiện chưa được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật của nước ta; chưa có văn bản phân loại hàng hóa, chưa có tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quy định. Do vậy, TLĐT chưa được cấp phép nhập khẩu, sản xuất, cấp phép kinh doanh, bày bán trên thị trường. Tuy nhiên, qua khảo sát nhận thấy mặt hàng này vẫn xuất hiện dưới nhiều hình thức như bán cùng với các loại hàng hóa khác, bán trên mạng xã hội…

Lực lượng chức năng xử lý một trường hợp kinh doanh thuốc lá điện tử trái phép tại phường Quang Châu (thị xã Việt Yên).

Theo chỉ dẫn của một học sinh lớp 8 (từng sử dụng và mua TLĐT) ở TP Bắc Giang, ngày 3/4, trong vai một khách hàng, chúng tôi đến cửa hiệu ghi biển bán điện thoại trên đường Hùng Vương, phường Ngô Quyền. Tuy vậy, trong tủ kính của cửa hàng này không có chiếc điện thoại nào mà là nhiều loại TLĐT và tinh dầu dùng kèm theo. Giá dao động từ 300 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/sản phẩm (tùy loại). Phần lớn sản phẩm có nhãn mác ghi chữ nước ngoài. Ngoài bán trực tiếp, chủ cửa hàng đăng bài bán công khai trên các trang mạng xã hội; thậm chí còn đăng ảnh khoe việc bán số lượng lớn TLĐT cho nhiều khách hàng ở một số địa bàn như thị trấn Cao Thượng (Tân Yên); thị trấn Phồn Xương (Yên Thế); xã Đại Lâm (Lạng Giang)…

Qua giới thiệu, chúng tôi tìm gặp em H.V.X (15 tuổi) ở xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang - đã sử dụng TLĐT nhiều lần) để tìm hiểu thêm và được X nhiệt tình chỉ một số điểm bán sản phẩm này tại địa bàn TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang và thị xã Việt Yên. X còn kể trước đây đã từng đặt mua những chai tinh dầu dùng cho TLĐT trên mạng về bán lại cho thanh, thiếu niên (trong số này có không ít trường hợp là học sinh THCS, THPT) với giá từ 200-250 nghìn đồng trên chai 3-5 mm (lãi 150 - 200 nghìn đồng/chai).

Qua nghiên cứu của các cơ quan chuyên môn, có nhiều bằng chứng cho thấy TLĐT gây tác hại tiêu cực đối với sức khỏe của người sử dụng. TLĐT được sản xuất từ hàng chục nghìn hương liệu hóa học khác nhau, trong đó có nicotine là chất gây nghiện. Đáng lo ngại, từ cuối năm 2023 đến nay, cơ quan công an nhiều địa phương phát hiện, bắt giữ nhiều vụ mua bán TLĐT có chứa chất ma túy. Vì thế, người sử dụng TLĐT thường xuyên, nhất là trẻ vị thành niên sẽ bị nghiện, ảnh hưởng đến hệ tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thần kinh, tăng nguy cơ ung thư …

Trước tác hại của TLĐT, cơ quan chức năng, ngành Giáo dục tỉnh đã tích cực tuyên truyền, cảnh báo về các hệ lụy khi sử dụng sản phẩm này. Thế nhưng vẫn có một bộ phận học sinh THCS, THPT, thậm chí cả tiểu học vì tò mò, bị bạn bè rủ rê đã sử dụng TLĐT. Có không ít trường hợp phải nhập viện điều trị. Từ năm 2023 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh tiếp nhận và điều trị cho hơn chục bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần do sử dụng TLĐT. Ví dụ như trường hợp cháu L.H.T.C (SN 2007) ở xã Bảo Sơn (Lục Nam). Cách đây vài tháng, C có biểu hiện trầm cảm, ngại tiếp xúc với người khác. Qua tìm hiểu, gia đình phát hiện trước khi mắc bệnh, C thường xuyên sử dụng TLĐT. Hay như cháu N.V.C (SN 2005) ở xã Hương Lạc (Lạng Giang), sau nhiều lần sử dụng TLĐT, C có hành vi bất thường, bị rối loạn cảm xúc (hay cáu gắt, mất ngủ triền miên…). Bác sĩ Phạm Trung Dũng, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng và Nghiện chất (Bệnh viện Tâm thần tỉnh) cho biết: “Các bệnh nhân sử dụng TLĐT nhập viện điều trị chủ yếu trong độ tuổi 17-25. Khi vào viện thường có biểu hiện trầm cảm hoặc kích động; thay đổi về tri giác; tư duy chậm, hoang tưởng; rối loạn hành vi; mất ngủ, mất tập trung, trí nhớ giảm sút. Một số trường hợp sử dụng TLĐT nhập viện điều trị xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính với ma túy”.

Cần quản lý chặt chẽ

TLĐT chưa được cấp phép nhập khẩu, sản xuất, cấp phép kinh doanh. Vì vậy, các loại TLĐT đang được bày bán trên thị trường trong tỉnh đều là hàng nhập lậu hoặc sản xuất trái phép. Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng đối với các trường hợp vi phạm còn ít, thiếu sức răn đe. Theo số liệu Sở Công Thương cung cấp, từ tháng 1/2021 đến tháng 3/2024, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh phối hợp kiểm tra và xử lý 11 vụ về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc nhập lậu; xử phạt vi phạm hành chính tổng số 49 triệu đồng; tiêu hủy hơn 1,3 nghìn điếu TLĐT và sản phẩm tinh dầu các loại. Trong đó, địa bàn phát hiện, xử lý nhiều nhất là TP Bắc Giang và thị xã Việt Yên. Đơn cử như tháng 5/2023, Cục QLTT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xử lý hộ kinh doanh Nguyễn Chu Nhật ở tổ dân phố My Điền 2, phường Nếnh, thị xã Việt Yên do bày bán 280 điếu TLĐT dùng 1 lần do Trung Quốc sản xuất.

Giáo viên Trường THCS Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) tổ chức giờ dạy ngoại khóa về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử.

Để đấu tranh, ngăn ngừa TLĐT gây tác hại đối với cộng đồng, đặc biệt là môi trường học đường, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường rà soát, kiểm tra, không để xảy ra tình trạng TLĐT nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ, sản xuất trái phép bày bán trên địa bàn. Được biết, lãnh đạo Sở Công Thương đã có văn bản kiến nghị với Bộ Công Thương sớm xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quản lý chặt chẽ mặt hàng TLĐT trong thời gian tới. Bộ Công Thương đang hoàn thiện phương án quản lý TLĐT để trình Thủ tướng Chính phủ theo hướng cấm tuyệt đối mặt hàng này.

Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Ngành Giáo dục đã triển khai nhiều nhóm giải pháp như: Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các môn học và các hoạt động ngoại khóa; phối hợp tổ chức thi tìm hiểu Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng "Ngày thế giới không thuốc lá", "tuần lễ quốc gia không thuốc lá"; triển khai mô hình trường học không khói thuốc. Đặc biệt, toàn ngành xác định phòng, chống tác hại thuốc lá trong học đường là tiêu chí đánh giá thi đua đối với các tập thể, cá nhân.

Tại buổi họp báo về tình hình KT-XH diễn ra ngày 2/4 mới đây, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, các ngành chức năng, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, có các giải pháp phòng ngừa TLĐT xâm nhập học đường. Ngoài ra, mỗi gia đình phải là “pháo đài” vững chắc bảo vệ giới trẻ, giúp con em mình tránh xa TLĐT, dành thời gian quan tâm, động viên, định hướng để thanh, thiếu niên có nhận thức đúng về tác hại của TLĐT, từ đó "nói không" với sản phẩm độc hại này.

Nhóm PVKT