khoa-hoc-cong-nghe

Đây là Hội thảo quốc tế được tổ chức theo hình thức bán niên (1 năm 2 lần, vào tháng 4 và tháng 11 hàng năm) dưới sự cho phép của Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraina, Hiệp hội các nhà khoa học kinh tế quốc tế của Ukraina. Hội thảo được đăng cai tổ chức theo hình thức trực tuyến bởi Ban Kinh tế học toàn cầu của Đại học Alfred Nobel, đồng tài trợ bởi Liên minh Châu Âu.

Dương Đăng Khoa, học sinh lớp 10 Lý 2, Trường Phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam (quê: Tân Yên, Bắc Giang) trình bày tham luận trước học giả quốc tế.

Hàng năm, Phiên toàn thể của Hội thảo thường xuyên được tổ chức vào ngày đầu tiên của sự kiện, có sự góp mặt của các nhà khoa học, diễn giả trẻ toàn cầu tới từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Phiên toàn thể năm nay diễn ra lúc 18 giờ 10 – 19 giờ 40 ngày 22/4/2024. Sau phần chào mừng của Bà Viktoriia Sokolova, Phó Hiệu trưởng Đại học Alfred Nobel phụ trách khoa học và hợp tác quốc tế, và GS,TS. Svitlana Fedulova, Trưởng Ban Kinh tế học toàn cầu, 5 tham luận nền tảng đã được trình bày bởi các học giả tới từ Ukraina, Ba Lan, Việt Nam, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Moldova.

Trong số các tham luận được trình bày, GS,TS.Ruslan Ayatshahovich Dzhabrailov, Phó Giám đốc Công tác Khoa học của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Pháp lý, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraina, mở đầu với vấn đề chuyển đổi về cơ sở pháp lý trong quá trình hội nhập; GS,TS. Vitalina Komirna (Ba Lan) lại đề cập tới quá trình khởi nghiệp và điều hành doanh nghiệp tại Ba Lan với người nhập cư; Sinh viên Valeriia Drobotun, Đại học Kinh tế Praha (Cộng hòa Séc), mang tới các quan điểm lý thuyết về nền dân chủ trong quan hệ quốc tế; NCVCC.TS. Corina Gribincea, Học viện nghiên cứu kinh tế Moldova, chia sẻ về lý thuyết về quá trình phát triển bền vững của nền kinh tế gắn với sử dụng nguồn tài chính xanh.

Với thứ tự thứ hai trong các phần trình bày tham luận, nhóm tác giả Việt Nam đã trình bày về tính hiện đại và hiệu quả của mô hình quản trị quốc gia của Việt Nam với góc nhìn đối sánh toàn cầu. Đại diện trình bày tham luận bằng tiếng Anh là em Dương Đăng Khoa, học sinh lớp 10 Lý 2, Trường Phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam (quê quán: Tân Yên, Bắc Giang), với sự phối hợp của PGS,TS. Phan Minh Đức, Phó trưởng Ban HTQT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phần trình bày tự tin bằng khả năng phát âm tiếng Anh chuẩn cùng sự thấu hiểu về các mô hình lý thuyết liên quan đến quản trị quốc gia trên thế giới của Dương Đăng Khoa đã được các nhà tổ chức Hội thảo đánh giá cao. Theo đó, bài tham luận của phía Việt Nam đã đề cập tới những vấn đề mới trong xác định chủ thể tham gia quản trị quốc gia hiệu quả bên cạnh Nhà nước; đó là thị trường và xã hội. Sự tăng cường chủ thể quản trị này khiến cho không chỉ quá trình giám sát tự nhiên đối với thành quả của quá trình quản trị trở nên tốt đẹp hơn mà còn tạo ra sự gắn kết cộng đồng – xã hội, sự tương tác cần thiết giữa con người với con người để tạo ra một nguồn vốn xã hội vô cùng to lớn, đem lại lợi ích chiến lược cho sự phát triển của quốc gia.

Phương pháp nghiên cứu hỗn hợp của ngành khoa học xã hội, bối cảnh địa chính trị mới mẻ, cùng với những đúc kết quan trọng về mô hình quản trị quốc gia hiện đại và hiệu quả của nghiên cứu đã khiến nghiên cứu của Dương Đăng Khoa cùng các nhà khoa học Việt Nam trở thành một nguồn tư liệu tham khảo bổ ích và ý nghĩa cho các học giả trên thế giới.

Thông qua những sự kiện khoa học quốc tế có uy tín, Hội các Nhà khoa học Bắc Giang tại Hà Nội (ABSH) tin tưởng rằng các tri thức trẻ của tỉnh Bắc Giang sẽ tìm thấy nhiều cơ hội để vươn ra những sân chơi mới, giao lưu sâu rộng hơn với bạn bè quốc tế, chứng tỏ được những hiểu biết và khả năng được đào tạo bài bản của mình ở trong nước. Những sự kiện đó cũng góp phần đào tạo, ươm mầm những nhà khoa học tiềm năng cho tương lai, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm giàu đẹp thêm cho quê hương Bắc Giang.

Theo Hội các nhà khoa học Bắc Giang ở Hà Nội

dao-tao-bai-ban-de-cac-tri-thuc-tre-bac-giang-nam-bat-co-hoi-khoa-hoc-quoc-te-134538.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...