chinh-tri

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an kết luận hội nghị.

Tại điểm cầu Công an tỉnh Bắc Giang, đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.

Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là một trong những lực lượng quần chúng, được bố trí ở thôn, tổ dân phố, làm nòng cốt hỗ trợ công an cấp xã giúp UBND cùng cấp trong bảo vệ ANTT và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).

Hiện cả nước có hơn 300.000 thành viên gồm: Bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó dân phòng. Các lực lượng này đã tích cực phối hợp, hỗ trợ công an các xã trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT - XH của địa phương.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 5 chương, 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, các đơn vị trực thuộc đã tích cực tham mưu, chuẩn bị các điều kiện triển khai ngay sau khi luật có hiệu lực thi hành. Đồng thời, xây dựng dự toán kinh phí, trang phục, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ, chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.

Tại Bắc Giang, Công an tỉnh đã tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ nội dung của Luật; Kế hoạch triển khai thi hành Luật của Chính phủ, Bộ Công an. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu HĐND, UBND tỉnh ban hành kế hoạch, quyết định, công văn để chỉ đạo triển khai thi hành.

Chỉ đạo rà soát, báo cáo UBND tỉnh về tình hình, kết quả hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng và dự kiến công việc, thời gian triển khai thực hiện Luật. Cùng đó ban hành kế hoạch triển khai trong Công an tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện cho công an các đơn vị, địa phương.

Ban hành văn bản đề nghị các cơ quan liên quan phân công cán bộ tham gia Tổ soạn thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh, Quyết định của UBND tỉnh. Tổ chức cuộc họp liên ngành để thống nhất nội dung tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh triển khai thi hành Luật.

Phát biểu kết luận, Đại tướng Tô Lâm khẳng định đây là một dự án Luật rất quan trọng, với mục tiêu thành lập một lực lượng mới trên cơ sở tổ chức lại lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách đang tiếp tục sử dụng và đội trưởng, đội phó dân phòng. Do đó Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải thống nhất nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong hành động để bảo đảm chuẩn bị tốt các điều kiện đưa Luật vào cuộc sống.

Chủ động xây dựng dự toán kinh phí, trang phục, phương tiện, thiết bị, công cụ hỗ trợ, chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế và quy định của pháp luật.

Bộ Công an chủ trì xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật. UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương xây dựng phương án kiện toàn thống nhất tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật này; chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sĩ Công an các đơn vị, địa phương.

Đối với Công an các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần khẩn trương tham mưu, đề xuất chính quyền cùng cấp xây dựng phương án và chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc kiện toàn tổ chức lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, hoàn thành trong tháng 5/2024; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật.

Tin, ảnh: Thu Phong

 

chuan-bi-tot-cac-dieu-kien-dua-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-vao-cuoc-song-173703.bbg

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...